Ngành bao bì của Việt Nam vẫn dừng lại ở mức sản xuất thủ công, đặc biệt là ở khâu thiết kế cấu trúc bao bì. Chính vì không có một lưu đồ thiết kế và chế tạo mẫu hoàn chỉnh mà sản phẩm bao bì của chúng ta không tinh xảo do mò mẫm bằng tay, chúng ta vẫn không xác định được các thông số ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và khả năng chịu tác dụng lực của vật liệu do không thể xây dựng mô hình để tính toán trên máy tính từ trước khi sản xuất, không thể mô phỏng được quá trình đóng gói sản phẩm và các giải pháp thay đổi giữa các yếu tố đầu vào và đầu ra. Tất cả đều thực hiện thủ công và mất rất nhiều công sức nhưng hiệu quả đạt được lại không cao.
Ngành sản xuất bao bì hộp của nước ta trong những năm gần đây đã được các cơ sở in, các nhà sản xuất bao bì chú ý đến nhiều và cũng đã có nhiều sự đầu tư cho quy trình thiết kế – chế bản của mình với các loại máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại, tính chuyên môn hoá trong quy trình sản xuất và phân công công việc ngày càng cao. Tuy nhiên mức độ tự động hoá trong công việc vẫn chưa được tối ưu, thời gian sản xuất vẫn còn kéo dài. Điều này là do: Độ chính xác trong quá trình sản xuất chưa cao. Công đoạn đầu tiên nhất, quyết định nhất để thiết kế ra một bao bì hộp là phải xây dựng cấu trúc của nó, thông thường ở công đoạn này cấu trúc của hộp được tạo trong các phần mềm chuyên dụng như Adobe Illustrator, Corel, Freehand… với độ chính xác cho các thông số về độ dài, góc bo…
Điều này làm cho bộ phận làm khuôn rất khó khăn tuy đầu vào của bộ phận này cũng đã được kiểm soát chặt chẽ (là file, phim, bài mẫu gốc, bản vẽ kỹ thuật, bản phân tích kỹ thuật, tờ in khung định hình…) thế nhưng những người thợ ở đây vẫn phải thiết kế lại hình ảnh từng hộp trên khuôn bằng cách vẽ thêm các đường đã bù trừ (các số bù trừ cũng theo ước lượng – thông thường chỉ bù trừ độ dày giấy), các góc bo cần thiết để dễ làm khuôn, các ký hiệu trên tờ phim để đặt các loại dao thích hợp. Điều này làm cho quá trình làm khuôn bế cho một sản phẩm phải mất khá nhiều thời gian. Các hình ảnh đồ họa cho mẫu thiết kế cũng được tạo ra dựa vào khuôn bế, do đó nếu khuôn bế sai thì vị trí, kích thước các hình ảnh này trên hộp cũng sai. Khả năng bố trí khuôn bế không nhanh và không sắp xếp các hộp trên khuôn ở vị trí chính xác sao cho lợi giấy nhất do chỉ sử dụng Step and Repeat trên các phần mềm thông dụng như AI, Corel, Freehand, Quark, PageMaker hay bình trên các phần mềm bình trang điện tử vì khi bình vẫn phải tự tính toán các thông số đan lồng cho các hộp mà chưa sử dụng phần mềm nào có chức năng tự động tính toán cách bố trí dựa trên các thông số về khoảng cách giữa hai hộp (khoảng cách giữa hai “con” trên khuôn bế), các thông số chừa xén đã nhập vào phần mềm (như trong ArtiosCAD). Khuôn bế sau khi thiết kế vẫn chưa được dàn chính xác trên tờ in, chưa có một tiêu chuẩn nào đặt ra chung cho các cơ sở in để căn cứ vào đó chừa các khoảng cách khi bố trí. Do đó, có nơi khi dàn khuôn vẫn chưa tiết kiệm được giấy trong khi giấy là nguyên liệu có ảnh hưởng rất lớn đến chi phí sản xuất và do đó chưa thể tăng số tiền lãi cho cơ sở in và giảm giá thành để giá cả cạnh tranh được với các công ty khác.